Swinburne Việt Nam mở học xá mới ở Cần Thơ
Swinburne Việt Nam sẽ mở học xá mới tại Cần Thơ từ tháng 11/2024. Đây là cơ sở học tập mới nhất, nối tiếp thành công của các học xá…
Vừa qua, Swinburne Việt Nam phối hợp cùng Harmony of Gender tổ chức workshop về bình đẳng giới với chủ đề “Khuôn thì khổ, cởi thì mở” (Break the Gender Barrier). Sự kiện diễn ra tại Swinburne Việt Nam cơ sở Đà Nẵng thu hút sự quan tâm của đông đảo các bạn sinh viên.
Workshop là một hoạt động nằm trong dự án “Thanh niên tham gia giải quyết định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam” do Harmony of Gender tham gia triển khai; nhằm hướng đến nâng cao nhận thức và tăng cường khả năng thanh niên tham gia giải quyết định kiến giới, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam. Dự án được tài trợ bởi Liên Minh Châu Âu (EU), điều phối bởi Tổ chức Oxfam, thực hiện bởi Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) và phối hợp cùng Đại học Đà Nẵng.
Tham dự buổi workshop có sự góp mặt của ông Đào Ngọc Ninh – Phó viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và miền núi (CISDOMA); TS. Hà Văn Hoàng và TS. Nguyễn Phương Khánh – Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng; chị Phạm Thị Ngọc Nhân – Trưởng phòng CTSV Swinburne Việt Nam; anh Thịnh Nguyễn – Giám đốc Học viện Thịnh Nguyễn Academy; chị Đào Nhật Linh – Quản lý Marketing. Đặc biệt là sự quan tâm của hơn 100 bạn sinh viên đến từ các trường đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Bình đẳng giới (Gender Equality) là một trong 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) do Liên Hợp Quốc đề ra, nhằm tăng quyền cũng như trao cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái (SDG5). Đây cũng là chủ đề được nhiều bạn trẻ quan tâm hiện nay. Chia sẻ về giá trị cốt lõi mà workshop mang lại, chị Trần Mỹ Duyên – Chủ nhiệm dự án Harmony of Gender cho biết, chúng ta đang sống trong xã hội mà sự cân bằng vẫn chưa hoàn toàn đạt được. Mưu cầu được công nhận năng lực cá nhân lại gặp rào cản bởi nhiều dạng định kiến giới như: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, “Phụ nữ chân yếu tay mềm”, “Con trai không được khóc”. “Điều này vô hình trung dẫn đến sự bất bình đẳng giới trong ngành nghề khiến nhiều bạn trẻ gặp khó khăn trên con đường thực hiện ước mơ. Do đó mong muốn lớn nhất của nhóm là có thể thay đổi nhận thức, tư duy về giới trong nghề nói riêng và định kiến giới nói chung” – chị Duyên nói.
Tại workshop, nhiều câu chuyện trải lòng đã được các bạn sinh viên thổ lộ như phái nữ thì không thể kinh doanh giỏi hay chỉ có con trai mới nắm giữ được công nghệ. Các định kiến về giới đã vô tình đã kìm hãm lại khả năng của sáng tạo của chúng ta. Theo đó, các khách mời cũng đã chia sẻ những trải nghiệm cá nhân và bàn luận cùng sinh viên cách cởi bỏ những “định kiến” còn tồn tại. Hầu hết các khách mời đều đồng tình việc thay đổi về định kiến giới cần bắt đầu từ bản thân, từ trong gia đình, nhằm mục đích khiến mọi người người xích lại gần nhau hơn, chứ không phải khiến họ trở thành những chiến binh để “chiến đấu”.
Với phần trò chơi “Phá vỡ”, các sinh viên tham gia workshop được lựa ngẫu nhiên trong 60 ngành nghề, từ đó nêu lên định kiến về ngành nghề mà các bạn chọn. Thông qua trò chơi, các vấn đề được khơi gợi và giải đáp, giúp các sinh viên có cái nhìn thông thoáng và cởi mở hơn về từng giới.
Là một trong những diễn giả của workshop, anh Thịnh Nguyễn – Giám đốc Học viện Thịnh Nguyễn Academy, người đang hoạt động trong lĩnh vực làm đẹp nhắn nhủ các bạn trẻ: “Mình cần nhìn nhận lại các định kiến vốn đã quen thuộc và từng dễ dàng chấp nhận nó, học cách đưa ra những hướng suy nghĩ tích cực hơn. Là thế hệ tương lai, các bạn trẻ có thể thay đổi suy nghĩ mình và giúp đỡ những người xung quanh để giảm bớt những định kiến về giới”.
Buổi workshop cũng đã giúp các sinh viên có cách nhìn cởi mở hơn về chủ đề này và mục tiêu số 5 về bình đẳng giới trong 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc. Bạn Ngọc Lưu – sinh viên năm nhất Swinburne Việt Nam chia sẻ: “Trò chuyện cùng các khách mời đã giúp em hiểu được nhiều bài học sâu sắc. Em hy vọng trong tương lai gần, những định kiến về giới sẽ được xoá bỏ và mọi người có thể tự do phát triển bản thân, đam mê của mình”