Homecoming Gala Dinner 2024: Đêm hội ngộ đầy cảm xúc của cựu sinh viên Swinburne Việt Nam
Tối 24/10/2024 vừa qua, sự kiện Swinburne Alumni Homecoming Gala Dinner 2024 đã diễn ra tại Hà Nội, mang đến không gian gắn kết đầy cảm xúc dành cho các…
19 tuổi, lần đầu tiên tôi đặt chân đến nước Ý và trở thành tình nguyện viên tại International Journalism Festival 2023 – đại hội truyền thông thường niên lớn nhất Châu Âu. Chuyến đi chỉ diễn ra vỏn vẹn trong hai tuần nhưng đã mang đến cho tôi có thêm nhiều kiến thức về ngành học của mình cũng như những trải nghiệm về văn hoá, con người tại đất nước xinh đẹp này.
Nếu là một sinh viên Media, tôi tin International Journalism Festival là một trải nghiệm mà bất kì sinh viên nào cũng muốn có cơ hội tham gia một lần. Vì thế ngay khi nghe tin sự kiện năm nay sẽ tổ chức ở Ý đang cần tìm tình nguyện viên, tôi đã quyết định sẽ không bỏ lỡ cơ hội. Thật may mắn, sau khi apply và hoàn thiện các thủ tục, cuối cùng tôi cũng có cơ hội xách ba lô và “lẻn” vào sự kiện trong vai trò tình nguyện viên chụp ảnh sự kiện.
Perugia – thủ phủ của Umbria, miền trung nước Ý là nơi diễn ra sự kiện. Trong mắt tôi, Perugia là thành phố yên bình, thơ mộng, khác hẳn với sự tấp nập của Rome hay Florence. Có 4-5 địa điểm lớn trong 6 ngày diễn ra sự kiện với nhiều phiên thảo luận diễn ra cùng một lúc. Khoảng cách giữa các địa điểm có thể là 200m, 400m hoặc có những lúc phải đi bộ tới gần 1km để đến được phiên mong muốn. Con đường ở Perugia không dễ đi bởi có những đoạn dốc và khúc khuỷu, nhưng thời tiết lại dễ chịu và cảnh đẹp vô cùng. Điều đó khiến tôi cảm thấy may mắn vì mình được tận hưởng chúng trong khi đang làm việc.
Trong khi tác nghiệp, tôi cũng tranh thủ theo dõi và học hỏi thêm. Những phiên thảo luận từ các chuyên gia hàng đầu trong ngành về truyền thông, chính trị, AI, ngôn ngữ khiến tôi như được mở rộng tầm mắt.
Đó là lần đầu tiên đã được nghe câu chuyện về những nhà báo tác nghiệp tại Ukraine – nơi mà chiến tranh trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày. Thế nhưng ngay cả tại một nơi mà chiến tranh được coi là một phần cuộc sống, đó các phóng viên cũng có những nguyên tắc làm nghề nhất định. “Các phóng viên phải tuyệt đối thấu hiểu và tôn trọng quyền riêng tư của những nạn nhận bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, đôi khi chúng tôi có được những câu chuyện có giá trị cao nhưng nếu không được họ cho phép, chúng tôi sẽ không công khai”– Bà Emily Bell, Giám đốc Trung tâm báo chí kỹ thuật số Tow kể lại.
Cũng tại sân khấu International Journalism Festival, lần đầu tiên tôi có cơ hội gặp những lãnh đạo hàng đầu như cô Anna Bateson – CEO Guardian Media Group hay cô Shazna Nessa – Giám đốc hình ảnh toàn cầu tại The Wall Street Journal. Tôi không giấu được sự kinh ngạc khi nghe các chuyên gia về dự đoán xu thế có thể sẽ đến trong tương lai. “Máy in có khả năng không còn tồn tại trên nhiều quốc gia vào năm 2030!”
Cô Mitra Kalita, Cofounder URL Media đã chia sẻ cho các khán giả tại hội nghị về những nghiên cứu về AI. Những nghiên cứu khiến tôi vỡ lẽ ra nhiều thứ. Hoá ra AI đã không thể giải quyết được nhu cầu kết nối của con người như tôi đã từng nghĩ. AI càng phát triển, khao khát được kết nối giữa người với người mạnh mẽ hơn.
Tôi may mắn được gặp cô Camilla ByK – Founder @Podiumdotme, một nền tảng Podcast dành cho các bạn trẻ. Những câu chuyện của cô về việc “sống bằng chia sẻ” đã khiến tôi được truyền cảm hứng về đam mê theo đuổi nghề.
Trong International Journalism Festival, trong khi phần lớn các diễn giả khác đều cố gắng để nói nhiều nhất có thể trong khoảng thời gian cho phép, thì cô lại chia sẻ khá ngắn gọn vỏn vẹn nửa thời gian của mình. Còn lại, cô đã trao cơ hội chia sẻ cho tôi, một tình nguyện viên trẻ đến từ Việt Nam – nơi cách xa nước Ý 10 vạn km. Mặc dù không được chuẩn bị trước cho việc này, nhưng tôi vẫn cố gắng hết sức để không bỏ lỡ cơ hội quý giá. Trên sân khấu của International Journalism Festival, tôi đã chia sẻ cảm nhận của mình về sự kiện, và việc quan sát mọi thứ, kết nối với mọi người đã cho mình những trải nghiệm gì.
Tôi cũng được trao cơ hội tham gia một tập podcast cùng với hai người bạn khác là Theodora và Sabina. Ba chúng tôi, ba người trẻ đến từ ba đất nước đã có cơ hội được trò chuyện về các góc nhìn trong cuộc sống và cảm nhận của mình khi lần đầu đến thăm Ý. Trong tập podcast đó, tôi đã chia sẻ đến các thính giả về vấn đề truyền thông tại Việt Nam. Không chỉ luôn được cập nhật những xu hướng truyền thông mới nhất trên thế giới, người trẻ Việt Nam vẫn luôn có cơ hội nói lên tiếng nói của mình và đóng góp vào sự phát triển của xã hội.
Vì bận rộn di chuyển giữa các địa điểm để tác nghiệp, cả chuyến đi, tôi chỉ tiếc vì không có dịp trò chuyện nhiều hơn cùng bác Jim Louderback, CEO VidCon – một trong những diễn giả mà tôi ấn tượng và mến mộ. Thế nhưng kỳ diệu thay, tôi đã tình cờ gặp được bác trên trên chuyến tàu tới Florence vài ngày sau đó. Bác đã cho tôi những lời khuyên về việc xây dựng start-up, chúng tôi đã có những câu chuyện trao đổi cực thú vị.
Nếu được hỏi tôi thích nhất điều gì ở Ý thì chắc chắn đó là sự tinh tế. Ví dụ việc họ giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính ngay tại sự kiện. Hay là sự tinh tế đến từ những người bạn Ý và Slovenia quá đỗi đáng mến, những người đã đồng hành cùng tôi trong suốt hành trình với sự hiếu khách và nhiệt tình mà tôi đã không thể nào quên được.
(Còn nữa)
Phạm Minh Hoàng
Sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện, Swinburne Việt Nam
Nguồn ảnh: International Journalism Festival 23