Thể lệ và cách thức tham gia cuộc thi Global Citizen Debate Challenge 2025
Tranh biện là một trong những kỹ năng thiết yếu liên quan tới khả năng nghiên cứu, tư duy phân tích, phản biện và sáng tạo. Tranh biện học thuật…
Theo Dân trí – Ngày 14 và 15/10/2021, vòng chung kết Bảng Việt và Bảng Anh của cuộc thi The Debate Challenge 2021 vừa công chiếu và hé lộ những quán quân mùa đầu tiên của giải đấu tranh biện toàn quốc này.
Vượt qua hơn một trăm đội vòng sơ loại và bảy vòng đấu gay cấn, hai đội thi xuất sắc nhất của bảng Việt là MẶNG (THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Tp. HCM) và CACBON (CLB DCD Phú Yên) và bảng Anh là Debateophobia (THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Tp. HCM) và D.A.T.A.B (THPT FPT, Cần Thơ) tự tin bước vào vòng tranh tài diễn ra ngày 09/10.
Với định hướng là một cuộc thi tranh biện học thuật, đề bài vòng chung kết đã được công bố trước để thí sinh có sự chuẩn bị về kiến thức và tâm lý.
Kiến nghị chung kết bảng Việt nhắm đến chủ đề nóng về công tác phòng và chống dịch: “Kể cả trong điều kiện kinh tế cho phép, chúng tôi sẽ ưu tiên điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại nhà thay vì cách ly và điều trị tập trung.” Theo lựa chọn ngẫu nhiên, CACBON là đội Ủng hộ kiến nghị và MẶNG là đội Phản đối.
CACBON đã mở đầu bằng cơ chế cho phép điều trị bệnh nhân mắc Covid tại nhà với những quy định phân vùng và hỗ trợ y tế. “Khi điều trị tập trung, gánh nặng và áp lực đè nặng lên các y bác sĩ và Chính phủ là rất lớn. Nếu được điều trị tại nhà, tâm lý người bệnh ổn định hơn khi có người nhà ở cạnh động viên và hạn chế cảm xúc tiêu cực khi chứng kiến quá nhiều thương vong.”
MẶNG đã tập trung chất vấn vào vấn đề miễn dịch và an toàn cộng đồng khi chất vấn các lý lẽ của phe ủng hộ. Các bạn nêu ra vấn đề: “Covid là căn bệnh khó lường. Vì vậy, chúng ta phải đảm bảo cứu chữa cho cả bệnh nhân nặng và nhẹ. Điều trị tập trung tạo cho bệnh nhân cảm giác an toàn và không bị bỏ rơi bởi các y bác sĩ và Chính phủ.”
Chung kết bảng Việt The Debate Challenge 2021
Trận đấu được các giám khảo đánh giá rất “sát nút” khi cả hai đội đã nêu lên những góc nhìn thú vị và đa dạng. Chuyên gia tranh biện Nguyễn Ngọc Tú Uyên, Trưởng ban Chuyên môn bảng Việt, nhận xét: “Các thí sinh đều giữ được được sự bình tĩnh và tinh thần tự tin. Các đội đã đưa ra nhiều ý tưởng hay và độc đáo. Tuy nhiên, các bạn có thể cải thiện bằng cách sắp xếp cấu trúc bài nói rõ ràng hơn.”
Tiến sĩ Hoàng Việt Hà, Giám đốc Swinburne Việt Nam và giữ vai trò giám khảo khách mời, đánh giá: “Các bạn đã có những phần phân tích và lập luận sắc sảo. Là một giải đấu học thuật, tôi vẫn mong các bạn ‘nói có sách, mách có chứng’ nhiều hơn để tăng tính thuyết phục cho phần nói của mình.”
Ban Giám Khảo đưa ra quyết định dựa trên tính hiệu quả phòng chống dịch và hạn chế áp lực của các y bác sĩ, Chính phủ. Trước một kết quả rất sát, đội Ủng hộ – CACBON đã giành chiến thắng.
CACBON chia sẻ cảm xúc: “Thực ra tụi em đến với cuộc thi với tinh thần học hỏi và mong muốn cọ xát với các bạn. Qua giải đấu này, tụi em đã có được những kỉ niệm đáng nhớ và cùng nhau vượt qua khó khăn để đến tới ngày hôm nay. Tụi em rất vui và tự hào về các thành viên của đội.”
Ở bảng Anh, các thí sinh được thử sức với một kiến nghị đòi hỏi kỹ năng nghiên cứu về các mô hình kinh tế và vấn đề xã hội: “Chúng tôi ủng hộ mô hình doanh nghiệp hợp tác và trả lương bình đẳng.” Trong mô hình này, doanh nghiệp không có Giám đốc điều hành và sẽ trả lương cho tất cả nhân viên với mức lương theo giờ như nhau bất kể vị trí, giới tính hay tuổi tác. Debateophobia đóng vai trò đội Ủng hộ, và D.A.T.A.B sẽ là đội Phản đối.
Mở đầu, Debateophobia xây dựng một cơ chế ủng hộ với luận điểm tập trung vào bình đẳng giới trong lao động và tạo động lực cho nhân viên: “Mô hình trả lương không phân biệt này sẽ tạo điều kiện để những nhóm yếu thế như phụ nữ và người nghèo cải thiện thu nhập. Với mục tiêu phát triển doanh nghiệp để tăng giá trị cổ phần, toàn bộ nhân viên cấp thấp và cấp cao sẽ có động lực cống hiến.”
D.A.T.A.B tập trung chất vấn về mức độ công bằng mà mô hình có thể đem lại: “Những thành phần có lợi thế làm nhiều thời gian hơn như nam giới và người có sức khỏe, họ sẽ làm việc nhiều giờ hơn những người vợ, người mẹ, người khuyết tật,.. Khi ai cũng được trả lương như nhau, ai sẽ có động lực để làm việc khó nữa?”
Chung kết bảng Anh The Debate Challenge 2021
Trận đấu được đánh giá rằng đã có những hướng đi thú vị và lập luận sắc bén. Trưởng Ban Chuyên môn Bảng Anh, chuyên gia Đỗ Hoàng Long nhận xét: “Tôi thực sự ấn tượng khi các bạn đã đưa chủ đề kinh tế này thành một trận tranh luận về công bằng xã hội và nhóm người yếu thế. Không phải thí sinh nào trong các trận tranh biện tại Việt Nam cũng làm được điều này. Các bạn đã làm rất tốt và gần đạt đến trình độ của những người tranh biện giàu kinh nghiệm.”
“Các bạn đã có sự vận dụng về nghiên cứu và bằng chứng. Một số chủ đề các bạn đã có thể đào sâu hơn nữa để có nhiều góc nhìn và tương tác cao hơn, nhưng nhìn chung, các bạn đã làm rất tốt,” anh Hoàng Long chia sẻ.
Ban Giám Khảo đánh giá dựa trên hai câu hỏi chính: đội nào đã chứng minh được cơ chế bình đẳng cho nhóm yếu thế tốt hơn, và ảnh hưởng kinh tế của đội nào tích cực hơn? Với một kết quả sát sao, phần thắng đã thuộc về đội D.A.T.A.B.
Chia sẻ niềm vui chiến thắng, đội D.A.T.A.B cho biết: “Khi đến với vòng Chung kết, chúng em đã đến với tâm thế ‘không có gì để mất.’ Không thể ngờ rằng chúng em giành được vị trí vinh dự này. Nhưng đây thực sự là một trận tranh biện tuyệt vời. Chúng em cũng đánh giá cao các luận điểm của đội Ủng hộ. Chúng em xin cảm ơn các thầy cô và ban tổ chức giải đấu đã mang đến cho chúng em trải nghiệm thú vị này.”
“The Debate Challenge” 2021 do VnExpress phối hợp với Swinburne Việt Nam tổ chức, diễn ra từ 7/4/2021. Đây là sân chơi dành cho học sinh THPT toàn quốc với cả hai bảng đấu tiếng Anh và tiếng Việt. Tham gia giải đấu, học sinh có cơ hội thể hiện khả năng thuyết trình, tư duy phân tích vấn đề, phản biện, sử dụng lập luận có bằng chứng, trích dẫn nguồn, khả năng làm việc nhóm. Thông qua sân chơi, ban tổ chức cũng tìm kiếm, bồi dưỡng nhân tài để tham gia đấu trường tranh biện quốc tế trong tương lai.