Homecoming Gala Dinner 2024: Đêm hội ngộ đầy cảm xúc của cựu sinh viên Swinburne Việt Nam
Tối 24/10/2024 vừa qua, sự kiện Swinburne Alumni Homecoming Gala Dinner 2024 đã diễn ra tại Hà Nội, mang đến không gian gắn kết đầy cảm xúc dành cho các…
Những ngày qua, cộng đồng Swinburne đang dành sự quan tâm cho hai phần mềm âm nhạc được phát triển bởi hai sinh viên ngành Khoa học máy tính, Swinburne Việt Nam, cơ sở Đà Nẵng. Được biết “tác giả” của hai phần mềm âm nhạc này là Lê Quang Thiện (chuyên ngành Phát triển phần mềm) và Nguyễn Thị Thanh Minh (chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo). Cùng trò chuyện với hai nhà phát triển phần mềm đầy tiềm năng này!
Chào bạn! Trong môn COS10009 – Introduction to Programming, được biết các bạn đã nhận được bài tập tạo lập playlist âm nhạc. Nhưng tại sao bạn lại chọn xây dựng cả một phần mềm phức tạp thay vì chỉ làm 1 playlist đơn giản như yêu cầu?
Quang Thiện: Mình quyết định tạo một phần mềm phức tạp thay vì một bài tập danh sách phát đơn giản cho COS10009 có thể được đưa ra nhằm mang đến cho mình trải nghiệm thử thách và hấp dẫn hơn. Bằng cách xây dựng một phần mềm, mình có thể có được kinh nghiệm thực tế trong việc phát triển phần mềm, bao gồm viết mã, thử nghiệm và sửa lỗi, đồng thời tích hợp các kỹ năng và kiến thức khác nhau đã học được trong suốt khóa học. Ngoài ra, một dự án phần mềm phức tạp có thể chứng minh năng lực và tiềm năng của mình để đạt điểm cao hơn bằng cách thể hiện khả năng phân tích, thiết kế, triển khai các giải pháp của mình một cách thiết thực và hiệu quả.
Thanh Minh: Từ việc nắm được những kiến thức và nguyên tắc cơ bản của lập trình, cộng với cảm giác muốn thử thách bản thân, mình mong khả năng code của mình được phát triển hơn và sản phẩm có nhiều chức năng giống với một công cụ phát nhạc thật hơn.
Các bạn có thể mô tả cụ thể hơn về phần mềm âm nhạc này chứ?
Quang Thiện: Dự án liên quan đến việc phát triển ứng dụng trình phát nhạc cho phép người dùng tạo danh sách phát được cá nhân hóa bằng cách chọn các bản nhạc từ các album khác nhau. Người dùng có thể dễ dàng điều hướng qua nhiều trang của album, đảm bảo dễ dàng truy cập vào thư viện nhạc của họ. Ứng dụng này cũng tự động phát hiện và tải các album từ hệ thống tệp. Với khả năng xác định trình tự bản nhạc trong danh sách phát, người dùng có toàn quyền kiểm soát trải nghiệm nghe nhạc của mình. Trình phát nhạc mang đến trải nghiệm âm nhạc thuận tiện và cá nhân hóa cho những người đam mê.
Thanh Minh: Ngoài chức năng tối thiểu là chọn album và bài hát thì chương trình còn cho phép các chức năng thông dụng của 1 phần mềm phát nhạc như nút chạy/tạm dừng, bài hát trước đó/tiếp theo, dừng nghe nhạc, lặp lại 1 bài, điều chỉnh âm lượng… Đặc biệt, chúng ta có thể tạo danh sách phát yêu thích hoặc tạo một danh sách phát cá nhân gồm các bài hát từ nhiều album khác nhau, hay sắp xếp thứ tự các album theo thể loại, năm phát hành…
Vậy còn khó khăn thì sao? Các bạn có gặp khó khăn gì trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự án này?
Quang Thiện: Chúng mình có gặp phải một số khó khăn do kiến thức hạn chế về các lệnh thiết yếu cần thiết để trình phát nhạc hoạt động bình thường, chẳng hạn như phát một bài hát hoặc tạm dừng phát lại. Tuy nhiên, chúng mình đã cố gắng tìm hiểu về các lệnh này để đảm bảo trình phát nhạc hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó chúng còn phải đối mặt với một khó khăn trong việc lưu trạng thái của bài hát đang phát, liên quan đến việc lưu trữ thông tin liên quan như số thứ tự bản nhạc và những thông tin về album.
Thanh Minh: Việc hoàn thiện và fix bugs của phần mềm khá tốn thời gian nên mình có gặp áp lực về thời gian. Tuy nhiên thầy Tín đã hỗ trợ và giúp đỡ chúng mình rất nhiều. Thầy đã đưa ra những gợi ý có giá trị về cách xử lý các tình huống và thách thức khác nhau có thể phát sinh trong quá trình viết mã. Bên cạnh đó, thầy cũng giúp chúng mình xem lại mã và đưa ra phản hồi mang tính xây dựng, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả.
Các bạn nghĩ thế nào về cơ hội học tập qua các dự án thực tế như thế này?
Quang Thiện: Việc học thông qua các dự án thực tế có thể mang lại nhiều lợi ích vì nó cho phép áp dụng kiến thức và kỹ năng vào thực tế. Các môn học cung cấp trải nghiệm thực hành vượt xa sự hiểu biết lý thuyết, cho phép chúng mình có được những hiểu biết có giá trị về sự phức tạp và thách thức của các tình huống trong thế giới thực. Bằng cách làm việc trên một dự án hữu hình như máy nghe nhạc, chúng mình có thể áp dụng các khái niệm lập trình, kỹ thuật giải quyết vấn đề để phát triển phần mềm một cách thực tiễn.
Thanh Minh: Hoàn thành một sản phẩm hoàn chỉnh và đạt yêu cầu do bản thân tự đề ra, tuy không phải một dự án gì to tát nhưng vẫn khiến mình cảm thấy hài lòng. Những khó khăn và áp lực gặp phải trong quá trình cũng giúp mình rèn luyện bản thân để khắc phục những thiếu sót còn mắc phải. Và tất nhiên, việc tìm hiểu thêm kiến thức mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cũng giúp em học hỏi thêm được rất nhiều.
Các bạn dự định sẽ phát triển thêm các dự án phần mềm khác trong tương lai không?
Quang Thiện: Hiện tại mình đang tham gia một số dự án thực tế của thầy Tín nhằm phát triển hơn các kỹ năng và kiến thức về lập trình. Cùng với sự đồng hành của thầy và các bạn, mình nghĩ chúng mình có thể triển khai thành công những dự án này.
Thanh Minh: Chắc chắn rồi. Ý tưởng thì nhiều lắm, nhưng thời gian hạn chế và nhất là trình độ bản thân thì vẫn luôn còn nhiều thiếu sót.
Trải nghiệm học tập ngành Khoa học máy tính tại Swinburne Việt Nam đã đem lại cho hai bạn những trải nghiệm đặc biệt nào?
Quang Thiện: Học tập ngành Khoa học máy tính ở Swinburne đem lại cho mình nhiều trải nghiệm đặc biệt. Về chương trình học, các môn học được thiết kế để không những cung cấp đầy đủ lượng kiến thức cần thiết mà sinh viên còn có thể ứng dụng những kiến thức đó vào thực tế. Các giảng viên luôn nhiệt tình hỗ trợ sinh viên trong suốt quá trình học tập. Mình cũng rất thích những buổi đi trải nghiệm thực tế ở các công ty bởi nó giúp sinh viên có cơ hội khám phá môi trường doanh nghiệp và hiểu rõ hơn về nhu cầu của các ngành công nghiệp hiện nay. Nhờ những chuyến đi này, mình đã định hình rõ hơn con đường học tập và phát triển trong tương lai.
Thanh Minh: Mình luôn tự hào vì Swinburne là một trong những trường đại học đào tạo công nghệ tốt nhất thế giới. Cảm giác được học những thứ mới mẻ hoàn toàn bằng tiếng Anh – một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ là một trải nghiệm cực kì thú vị.