Swinburne Việt Nam mở học xá mới ở Cần Thơ
Swinburne Việt Nam sẽ mở học xá mới tại Cần Thơ từ tháng 11/2024. Đây là cơ sở học tập mới nhất, nối tiếp thành công của các học xá…
Lần đầu tiên Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A – một gương mặt quen thuộc với các chương trình truyền hình về tâm lý đã có buổi chia sẻ với các sinh viên về chủ đề “Xây dựng và giữ gìn mối quan hệ lành mạnh”. Buổi chia sẻ thu hút sự tham dự của nhiều sinh viên Swinburne Việt Nam và sinh viên các trường đại học khác tại TP. HCM.
Bắt đầu bằng hình ảnh “Cần câu hay con cá”, Tiến sĩ Tô Nhi A đặt ra câu hỏi “Làm thế nào để giúp đỡ một người khi họ gặp vấn đề về tâm lý”. Với câu hỏi này, một số sinh viên cho rằng nếu cần giải pháp ngay lập tức thì nên chọn con cá, trong khi một số khác nghĩ cần câu mới là giải pháp tối ưu khi muốn giải quyết gốc rễ của vấn đề.
Tuy nhiên, cô Tô Nhi A đã đảo ngược vấn đề bằng lập luận “nếu người cần giúp đỡ ăn chay và không có nhu cầu ăn cá” thì sao? Thật vậy, nếu người cần giúp đỡ không có cảm hứng kết nối với người khác thì bất kỳ nỗ lực nào để giúp đỡ đều là vô ích, dù đó là con cá hay cần câu. Cô cho rằng thế hệ Gen Z hiện nay đang gặp vấn đề với cảm hứng kết nối vì họ lớn lên trong gia đình ít con và phải trưởng thành cùng với những người bạn ảo trên Internet.
“Với Gen Z hay bất kì thế hệ nào, kết nối xã hội là một phần của bản năng chúng ta. Việc kết nối với những người xung quanh cho ta một cảm giác được thuộc về, được đồng cảm, quan tâm và yêu thương. Cảm hứng kết nối là bước đầu tiên để gieo mầm cho một mối quan hệ” – Tiến sĩ nói. Từ những kết nối đó, ta có thể xây dựng được cho mình những mối quan hệ bền chặt và tạo nên những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời.
Tiếp tục với câu hỏi trong 9 cốc cà phê, liệu cốc nào sẽ là cốc nhận được cà phê đầu tiên, những thắc mắc trong việc xây dựng mối quan hệ tiếp tục được đặt ra để các sinh viên cùng bàn luận, trao đổi. Theo các sinh viên, xây dựng mối quan hệ cũng như việc đổ đầy lượng cà phê vào cốc, luôn cần được giữ gìn và làm đầy theo thời gian. Một mối quan hệ muốn bền vững thì luôn đòi hỏi sự mở lòng và nỗ lực rất lớn từ cả hai phía.
“Gió tầng nào sẽ gặp mây tầng ấy” – Tiến sĩ Tô Nhi A hóm hỉnh. Nếu muốn kết bạn với những người tốt thì chính bản thân ta cũng phải là một người tử tế. Bởi thiết lập mối quan hệ với người khác không gì khác là thiết lập mối quan hệ với bên trong mình.
Để giúp sinh viên hiểu rõ hơn điều này, Tiến sĩ tâm lý đã đưa ra hình ảnh tháp nhu cầu của Maslow để dẫn chứng cho những nhu cầu cơ bản của con người là được sinh tồn, được an toàn, được giao tiếp, được tôn trọng và được thể hiện. “Nhưng tại sao chúng ta phải chờ đợi và phụ thuộc người khác đến và đáp ứng nhu cầu đó khi mà chúng ta có thể tự thân làm được? Trước khi làm chủ những mối quan hệ khác trong cuộc sống, ta phải làm chủ được chính mình” – cô nói.
Ở phần sau của buổi chia sẻ, nhiều bạn trẻ đã có dịp trải lòng về những vấn đề trong mối quan hệ của bản thân với gia đình và bạn bè. Cô Tô Nhi A đã gợi ý các bạn quay về bên trong để chữa lành cho mình, nâng cấp bản thân và tìm kiếm những mối quan hệ an toàn và lành mạnh hơn. Những lời khuyên quý giá đó đã phần nào giúp các bạn được an ủi và đồng cảm, vượt qua những tổn thương tinh thần để gieo hạt giống cho những mối quan hệ chất lượng trong tương lai.