Ngành Quan hệ công chúng tại Swinburne Việt Nam: Bệ phóng đến thành công trong kỷ nguyên truyền thông số
Trong thời đại truyền thông số bùng nổ, ngành Quan hệ công chúng (PR) trở thành ngành học đầy triển vọng, mở ra nhiều cơ hội việc làm với mức…
“Trò chơi con mực” (Squid Game) đã thành loạt phim ăn khách nhất trong lịch sử của Netflix và thậm chí đã len lỏi đến các nội dung dành cho trẻ em. Hãy cùng cô Jessica Balanzategui, giảng viên ngành Cinema and Screen Studies của Đại học Swinburne, phân tích hiện tượng này.
Kể từ khi ra mắt, “Trò chơi con mực” của Hàn Quốc nhanh chóng trở thành loạt phim được xem nhiều nhất trên Netflix. Vậy nhưng độ nổi tiếng này cũng đi kèm với rất nhiều chỉ trích xoay quanh nội dung bạo lực của phim.
Một chỉ trích mới đây về loạt phim này xoay quanh những ảnh hưởng của nó lên trẻ em. Theo hệ thống phân loại nội dung tại Australia, Trò chơi con mực chứa những nội dung không phù hợp với trẻ dưới 15 tuổi. Vậy nhưng đã có báo cáo rằng đã có những em sáu tuổi bắt chước hoặc tổ chức trò chơi giống trong bộ phim này.
Mội hội đồng tại miền Nam Vương Quốc Anh đã gửi thư khẩn cầu đến các bậc phụ huynh phải sát sao hơn khi “nhiều trẻ nhỏ đang bắt chước hoặc diễn lại các trò chơi và cảnh bạo lực” từ bộ phim. Tại Australia, các nhà giáo dục tại Sydney và Tây Úc cũng có những khuyến nghị tương tự.
Trong Trò chơi con mực, các nhân vật tham gia những trò chơi truyền thống của trẻ em Hàn Quốc để giành được phần thưởng tiền mặt lớn, và những người thua cuộc sẽ bị giết chết tại mỗi vòng. Để tăng hiệu ứng phá cách, các trò chơi diễn ra tại những khu vực trang trí bắt mắt giống như sân chơi trẻ em cỡ đại dành cho người lớn. Sau mỗi thử thách, những khu vực này trở thành khung cảnh đẫm máu và những cái chết khốc liệt của người thua cuộc.
Mặc dù đã có những khuyến cáo không để trẻ em xem Trò chơi con mực, các em nhỏ rất dễ tiếp xúc và biết về chương trình này thông qua mạng xã hội – nơi lan truyền những nội dung “viral” như TikTok và YouTube. Bằng cách này, Trò chơi con mực đã thâm nhập được vào mạng lưới nội dung của các em nhỏ.
Khá nhiều kênh nổi tiếng trên YouTube Kids (dành riêng cho trẻ dưới 12 tuổi) đã nắm bắt độ phủ sóng của Squid Game để thu lợi. Những nội dung như “Hướng dẫn vẽ nhân vật Squid Game” hoặc các video hướng dẫn chơi Squid Game trên nền tảng Roblox.
Trò chơi này đang ngày càng được trẻ em ưa chuộng và cho phép người chơi chia sẻ trò chơi với những người khác.
Squid Game cũng là chủ đề vô cùng phổ biến với những trò chơi do người dùng xây dựng trên Roblox. Nhiều video về trò chơi Squid Game trên Roblox có hàng trăm nghìn cho đến hàng triệu lượt xem.
Ở cả trên nền tảng chính và kênh YouTube Kids, các video với nội dung trẻ em chơi những thử thách giống trong phim trên Roblox, chẳng hạn như trò “Đèn xanh, đèn đỏ,” vươn lên dẫn đầu xu hướng của YouTube. Thử thách này cũng trở thành một xu hướng trên TikTok khi nhiều người chế và diễn lại cảnh trong phim trong các bối cảnh đời thường.
Cảnh phim “Đèn xanh, đèn đỏ” cũng là một trong những phân đoạn được chia sẻ nhiều nhất của Squid Game: hình tượng con búp bê khổng lồ với ánh mắt chết chóc “tia” mọi nhất cử nhất động của người chơi đã được “meme-hóa” mạnh mẽ trên mạng xã hội. Và hình ảnh của búp bê này thường được sử dụng làm hình đại diện của các video cho các nội dung liên quan đến Squid Game trên YouTube Kids.
Phần lớn các video dành cho trẻ em này không chứa nội dung độc hại. Tuy nhiêu, chúng là minh chứng cho thấy bằng cách nào đó, Squid Game đã xâm nhập được đến các nội dung dành riêng cho trẻ nhỏ.
Với thiết kế màu sắc bắt mắt và nội dung xoay quanh những trò chơi tuổi thơ, có thể dễ hiểu vì sao những nội dung về Trò chơi con mực lại hấp dẫn các em nhỏ. Vậy nhưng ranh giới giữa những nội dung dành cho người lớn và trẻ em vẫn luôn không rõ ràng.
Từ trước đến giờ, YouTube luôn đối mặt với những chỉ trích về kẽ hở không kiểm duyệt hết những nội dung không phù hợp với trẻ em. TikTok cũng vướng phải những vấn đề tương tự liên quan đến việc kiểm soát nội dung không lành mạnh, chẳng hạn như những video chống vaccine. TikTok cho phép trẻ em trên 13 tiếp cận tất cả nội dung trên nền tảng, tuy nhiên những báo cáo gần đây cho thấy trẻ em nhỏ hơn rất nhiều đang sử dụng nền tảng này. Cùng với YouTube, TikTok đang trong quá trình đối chất với Thượng viện Mỹ về những vấn đề bảo vệ trẻ em.
Sau khoản tiền phạt lịch sử trị giá $170 triệu đô Mỹ từ Ủy ban Thương mại Liên Bang lên YouTube năm 2019, nhiều thay đổi đã được thực hiện để phân loại nội dung dành cho người lớn và trẻ em. Chẳng hạn, những người sáng tạo sẽ phải thông báo với YouTube rằng liệu nội dung của của họ có dành cho trẻ em, và nhiều thuật toán được sử dụng để nhận diện liệu các nội dung này có phù hợp cho trẻ nhỏ.
Mặc dù có những thay đổi này, YouTube vẫn lờ đi đối với những tuyến nội dung truyền hình và các video được trẻ em xem nhiều lại không phù hợp với những chương trình dành cho trẻ em.
Các danh sách hoặc video tổng hợp những nội dung “đu theo” Squid Game vẫn tiếp tục đứng đầu xu hướng dành cho trẻ em trên YouTube. Những nội dung tổng hợp này thường phản ánh những xu hướng đang “hot,” các từ khóa được tìm kiếm nhiều và có chứa hình ảnh của những nhân vật nổi tiếng trên hình đại diện video và tiêu đề.
Bên cạnh những quan ngại về ảnh hưởng của những nội dung này đối với trẻ em, nhiều người còn chỉ ra những vấn đề về cách trẻ em tương tác với các trang web.
Những lo lắng liên quan đến ảnh hưởng của Squid Game đối với trẻ em làm chúng ta liên tưởng đến hiện tượng “Momo” từ cuối năm 2018 – đầu năm 2019. Khi đó, cái tên Momo nổi lên và gắn liền với nhiều truyền thuyết ghê rợn từ hình ảnh một nhân vật kì dị “người phụ nữ đầu chim” (mà sau đó được đính chính là một sản phẩm điêu khắc từ Nhật Bản).
Báo chí quốc tế lúc đó rộ lên thông tin rằng Momo sẽ thâm nhập vào các video dành cho trẻ em trên YouTube và dụ dỗ các em tham gia các trò chơi nguy hiểm chết người.
Thậm chí tại Australia và nhiều nước khác đã có những công văn chính thức khuyến nghị phụ huynh về “Thử thách Momo.” Tuy nhiên sau đó, những lùm xùm xung quanh nhân vật Momo được chứng minh là thông tin sai sự thật.
Qua hiện tượng Momo, chúng ta thấy được những lo lắng của cha mẹ về an nguy của con trẻ trên mạng Internet. Những quan ngại về ảnh hưởng của Trò chơi con mực cũng tương tự: nỗi sợ này có thể không xuất phát từ những nguy hiểm thực tế; mà đó là hiện thân của nỗi lo về việc những nội dung không phù hợp tràn lan trên các nền tảng dành cho trẻ em.
Sự nổi tiếng và phổ biến của Trò chơi con mực đối với nhiều thế hệ và trên khắp các nền tảng cho thấy rằng chúng ta cần định nghĩa lại những nội dung “phù hợp với trẻ em” là như thế nào.
Theo Swinburne Australia