Sinh viên Swinburne Việt Nam tìm hiểu về truyền thông sức khỏe của Bộ Y tế
Vừa qua, ông Vũ Mạnh Cường - Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Truyền thông Sức khỏe Bộ Y tế đã có buổi chia sẻ về “Thanh niên và…
“Không có một quy chuẩn hay định nghĩa nào về ‘bình thường’ cả, mỗi chúng ta đều đặc biệt và đáng trân trọng,” Tiến sĩ Marisha McAuliffe chia sẻ trong buổi giao lưu “Embracing Yourself – Học cách yêu bản thân, chấp nhận bản thân”
Buổi chia sẻ nằm trong chuỗi sự kiện nâng cao hiểu biết về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần trong tuần lễ Wellbeing Week tại Swinburne Việt Nam. Chương trình có sự đồng hành của Tiến sĩ McAuliffe, Head of StudentHQ và các bạn sinh viên K3 để cùng chia sẻ về hành trình tìm kiếm giá trị và yêu thương chính mình.
“Chấp nhận bản thân” thường được xem là dấu hiệu của trưởng thành và phát triển bản thân trong nhiều nền văn hóa và tôn giáo. Đạo Phật đã dạy “thương mình để thương người,” và Thiên Chúa giáo tin tưởng rằng Chúa tạo ra mỗi người đã là hoàn hảo theo cách riêng. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chấp nhận bản thân có mối liên hệ chặt chẽ đối với sức khỏe tinh thần đối với mọi lứa tuổi.
Vậy chấp nhận bản thân là gì? Đó chính là quá trình nhận ra rằng bản thân bạn là một cá nhân có bản sắc riêng, có thể mắc lỗi cũng như đạt được những thành tích vượt trội. Chấp nhận bản thân không có nghĩa rằng bạn đang bao biện cho những lỗi lầm của mình. Khi đã chấp nhận mình, bạn sẽ có đánh giá thực tế về bản thân để thay đổi và phát triển.
Đọc thêm: Tại sao lĩnh vực truyền thông xã hội (Social Media) lại có sức ảnh hưởng tới giới trẻ?
Krystal, sinh viên năm nhất ngành IT chia sẻ: “Đối với mình, việc chấp nhận bản thân không xảy đến trong một thời điểm nhất định mà là cả một quá trình khám phá bản thân và học hỏi. Trong suốt quá trình trưởng thành này, mình dần tìm được các giá trị của bản thân – những giá trị giúp mình định hình tính cách và đưa ra những quyết định.”
Bên cạnh những nỗ lực của bản thân, mạng lưới hỗ trợ và chia sẻ từ những người xung quanh cũng vô cùng quan trọng trong quá trình yêu thương chính mình. Diệu Anh, sinh viên K3 thổ lộ: “Chúng ta có quyền lựa chọn những người để kết nối. Hãy tìm đến những người biết lắng nghe, tôn trọng và khiến bạn tin tưởng. Như vậy, bạn sẽ có ‘hệ thống hỗ trợ’ vững vàng để phát triển bản thân.”
Khi tiếp xúc với Tuấn Kiệt, sinh viên ngành truyền thông đa phương tiện, ai cũng sẽ ấn tượng trước sự thoải mái, tự tin của bạn. Thế nhưng ít người biết rằng trước đây Kiệt lại là rất nhút nhát và ngại thể hiện mình.
“Phải đến năm lớp 7, mình mới tìm được sức bật để thay đổi bản thân. Lúc đó mình có tham dự một cuộc thi diễn thuyết bằng tiếng Anh, và khi lên sân khấu mình đã run đến mức ‘đứng hình.” Nhưng sau khi vượt qua nỗi sợ để hoàn thành bài nói, mình thấy rất thích cảm giác này. Mình nhận ra rằng bản thân có thể làm được bất cứ điều gì mình muốn, và từ đó mình đã chọn tin tưởng vào bản thân mình và cứ là chính mình thôi,” Kiệt nhớ lại.
Câu chuyện của Kiệt là một ví dụ cho quá trình “luyện tập” để tự tin vào bản thân hơn. “Quá trình này giống như một vòng tuần hoàn. Khi ta vượt qua được nỗi sợ để thể hiện mình lần đầu, ta sẽ tự tin hơn trong lần kế tiếp. Và cứ thế lặp lại, chúng ta sẽ dần thấy thoải mái khi là chính mình hơn, và đừng sợ mắc lỗi,” Krystal nhận xét.
Diệu Anh, sinh viên K3 cũng chia sẻ, xã hội hiện nay thường đề cao những đức tính hướng ngoại như: hoạt ngôn, năng nổ,… khiến cho nhiều người hướng nội dễ cảm thấy tự ti. “Việc bạn là người hướng nội hay hướng ngoại không quyết định sự tự tin. Việc phân loại này dựa vào cách chúng ta lấy nguồn năng lượng từ việc giao lưu cùng người khác hay ở một mình mà thôi. Và hướng nội hay hướng ngoại cũng đều có những điểm mạnh của mình”
Xem thêm: Ngành Quảng cáo là gì? Những điều bạn cần phải biết
Tiến sĩ McAuliffe, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tâm lý học, đánh giá cao sự trưởng thành qua những chia sẻ của các khách mời. “Chúng ta đều khác biệt, vì vậy không có quy chuẩn nào cho ‘cách làm tốt nhất.’ Hãy nhớ rằng, bạn đã và đang làm những điều tốt nhất có thể trong hoàn cảnh đó. Vì vậy, hãy yêu thương bản thân và cho mình thời gian”.
“Dám nghĩ, dám làm, dám sống” – “Hãy đối xử tốt với bản thân” – “Mở lòng để những người bạn yêu thương tìm hiểu bạn và hãy là chỗ dựa tinh thần khi người khác cần” – Đó là những thông điệp các sinh viên Swinburne Việt Nam muốn gửi gắm tới mọi người để xây dựng một ngôi trường lành mạnh biết chấp nhận bản thân với những sinh viên hạnh phúc.
Hãy liên hệ SwinburneLife để kết nối với cộng đồng và được hỗ trợ về các vấn đề liên quan đến dịch vụ sinh viên và chăm sóc sức khỏe tinh thần, bạn nhé!