Sinh viên Swinburne Việt Nam tìm hiểu về truyền thông sức khỏe của Bộ Y tế
Vừa qua, ông Vũ Mạnh Cường - Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Truyền thông Sức khỏe Bộ Y tế đã có buổi chia sẻ về “Thanh niên và…
Giãn cách kéo dài vì dịch bệnh COVID khiến chúng ta lo lắng, căng thẳng, và mệt mỏi. Hãy cùng Giáo sư Susan Rossell từ Đại học Swinburne (Australia) tìm hiểu một vài hoạt động đơn giản để thời gian này trở nên dễ chịu hơn nhé!
Nếu bạn đang cảm thấy bồn chồn, lo âu, bối rối, khó tập trung hoặc ngủ không ngon giấc trong thời điểm này, bạn không đơn độc.
Với vai trò là Chuyên gia Tâm lý học tại Trung Tâm Chăm sóc Sức khỏe tinh thần của Đại học Swinburne (Australia), chúng tôi đã và đang nghiên cứu những tác động của dịch bệnh COVID đến sức khỏe tinh thần của chúng ta.
Tuy vậy, các bạn không cần phải là chuyên gia cũng có thể nhận thấy những ảnh hưởng và thay đổi đến sức khỏe và tâm trí của mình.
Trạng thái lo âu và căng thẳng kéo dài khiến cho não bộ sản sinh ra các hormones gây stress như adrenaline và cortisol thường xuyên hơn. Tình trạng này có thể làm gia tăng các triệu chứng như đau đầu, hay quên, tập trung kém hoặc mất ngủ. Nếu kéo dài, các biểu hiện nặng của bệnh lý tâm thần có thể xuất hiện như trầm cảm, rối loạn sau sang chấn (PTSD).
Vậy hãy tạm ngừng một chút và nghĩ về các phương pháp có thể giảm tải những lo lắng trong mùa dịch. Kể cả trong giai đoạn giãn cách xã hội, bạn vẫn có thể tự tạo niềm vui nho nhỏ cho mình bằng một số cách khá đơn giản.
Bạn có thể đã từng nghe về oxytocin – chất hóa học của tình yêu. Hormone này được sản sinh ở vùng dưới đồi của não bộ và khiến cho chúng ta có thể gắn kết và tin tưởng người khác. Oxytocin tạo ra cảm giác ấm áp và hưng phấn.
Vì vậy, khi gia tăng lượng oxytocin trong cơ thể sẽ có tác dụng tích cực lên tâm trạng và cảm xúc của chúng ta. Một vài cách chúng ta có thể tự tạo oxytocin là vuốt ve thú cưng, chơi đùa với trẻ nhỏ, ôm một ai đó, nói với họ bạn quan tâm tới họ như thế nào hoặc tập yoga.
Trên thực tế, tập yoga là một cách tốt để kích thích sản sinh chất endorphin sản sinh bởi tuyến yên. Đây được mệnh danh là chất giảm đau tự nhiên và giúp cơ thể chống lại lo lắng và chặn các tín hiệu đau đớn. Cách thức hoạt động của endorphin tương tự như morphin và thuốc giảm đau opioids.
Cách thức và lượng sản sinh endorphin của mỗi người có thể khác nhau, nhưng ta có thể kích thích cơ thể tăng lượng chất này bằng cách tập luyện thể dục thể thao, cười nhiều hơn (xem chương trình hài yêu thích của bạn, trò chuyện với bạn bè), nhảy, thiền hoặc tham gia các hoạt động sáng tạo như mỹ thuật hoặc sáng tác nhạc.
Và có lẽ cách “đậm đà” nhất để gia tăng endorphin chính là ăn chocolate đen
Một chất sản sinh hạnh phúc khác là dopamine – một chất hóa sinh quan trọng trong thời điểm COVID này. Dopamine là chất dẫn truyền thần kinh và một trong những hormone hạnh phúc giúp tạo cảm hứng, hỗ trợ học tập và tăng khả năng ghi nhớ. Và hormone này cũng đem lại những cảm xúc dễ chịu và thỏa mãn.
Ngoài ra, còn rất nhiều cách đơn giản giúp chúng ta cải thiện tâm trạng, chẳng hạn như ghi nhận những nỗ lực không kể lớn nhỏ (chẳng hạn như dậy sớm!), nấu món ăn bạn yêu thích, uống một ly trà/cà phê ngon, ngủ một giấc thật sâu hoặc bỏ một chút thời gian để thiền.
Cuối cùng là chất serotonin. Hormone này có tầm ảnh hưởng lên toàn bộ cơ thể và giúp cân bằng tâm trạng của chúng ta. Serotonin cũng đóng vai trò trong các quá trình ngủ nghỉ, tiêu hóa và ăn uống của chúng ta. Một điểm quan trọng cần nhớ để cơ thể sản sinh serotonin chính là giữ một chế độ ăn uống lành mạnh – hạn chế đồ ăn vặt và tăng cường các loại thực phẩm giàu axit amin như cá hồi và các loại hạt. Ngoài ra, hãy cố gắng dành thời gian tiếp xúc ánh mặt trời buổi sớm để tăng cường vitamin D cho cơ thể.
Hãy nghe các bài hát yêu thích của bạn (và nhún nhảy theo nếu bạn muốn), nhờ người thân matxa cơ thể và tập luyện thể dục. Với những khu vực hạn chế ra ngoài, bạn có thể thử các bài tập hít thở hoặc cardio tại nhà để duy trì thói quen luyện tập.
“Dù bạn chọn làm theo cách nào, tôi cũng mong rằng các bạn cảm thấy vui vẻ hơn với những hoạt động nho nhỏ này trong thời gian giãn cách,” tiến sĩ Rossell nhắn nhủ.
Theo Swinburne (Úc)
Hãy theo dõi Swinburne Việt Nam để cập nhật những thông tin hữu ích và tích cực nhé!