Chung kết Swin-Biz-Rockstar 2024: Bứt phá cùng những ý tưởng kinh doanh sáng tạo
Ngày 15/11 vừa qua, vòng chung kết cuộc thi Swin-Biz-Rockstar 2024 đã diễn ra sôi nổi với nhiều bất ngờ, quy tụ 9 đội thi xuất sắc nhất cùng các…
Lên đại học, nhiều bạn trẻ tìm kiếm các cơ hội thực tập hoặc đi làm thêm để có thêm kinh nghiệm và có thêm thu nhập. Tuy nhiên, không ít bạn gặp phải trải nghiệm đi làm không mấy vui vẻ vì những vấn đề liên quan đến quyền lợi người lao động. Vậy các bạn sinh viên cần có những kiến thức gì khi ký kết hợp đồng lao động? Hãy tìm hiểu qua những chia sẻ của luật sư Nguyễn Trần Hùng cùng sinh viên Swinburne Việt Nam trong sự kiện Industry Link – Học xuyên biên giới.
Industry Link là chuỗi hoạt động do Swinburne Việt Nam tổ chức nhằm kết nối sinh viên với những chuyên gia, diễn giả trong ngành để các bạn có thêm góc nhìn về bối cảnh thị trường. Với chủ đề “Những vấn đề pháp lý khi ký kết hợp đồng lao động,” sinh viên lớp Law of Commerce có cơ hội trao đổi cùng luật sư Hùng về các điều khoản sử dụng lao động và cách xử lý những tranh chấp pháp lý về nhân sự trên thực tế.
“Các bạn sinh viên trong thời gian vẫn còn trên ghế nhà trường nên tự trang bị cho mình tư duy và kiến thức pháp lý về quyền và nghĩa vụ của mình và bảo vệ bản thân khi ký kết các hợp đồng lao động,” Luật sư Hùng nhấn mạnh. Buổi chia sẻ kéo dài hơn một giờ bao gồm những nội dung về các loại hợp đồng, hình thức ký kết, quyền và nghĩa vụ của các bên và giải quyết tranh chấp về các vấn đề liên quan đến hợp đồng lao động.
Tại thời điểm này, các bạn sinh viên K1 của Swinburne Việt Nam đã bắt đầu kỳ thực tập OJT (On-the-Job Training) tại các doanh nghiệp, vì vậy kiến thức pháp lý khi ký kết các hợp đồng lao động là vô cùng cần thiết để các bạn có những trải nghiệm thực tập ý nghĩa và dễ chịu.
Các hợp đồng lao động thường gặp hiện nay là hợp đồng lao động không xác định thời hạn và có xác định thời hạn. Với những bạn sinh viên làm cộng tác viên hoặc freelancer, loại hợp đồng có thời hạn ngắn khá phổ biến bởi doanh nghiệp sẽ chi trả dựa theo kết quả công việc trong thời gian ngắn mà bạn cung cấp. Một điểm cần lưu ý đối với các bạn làm trong lĩnh vực công nghệ hay sáng tạo là điều khoản về quyền sở hữu trí tuệ. Thông thường, những sản phẩm trí tuệ được sáng tạo bằng tài nguyên của công ty và trong thời gian làm việc sẽ được coi là tài sản của doanh nghiệp. Do vậy, nếu bạn muốn bảo vệ ý tưởng hay sản phẩm trí tuệ riêng của mình, bạn cần có thỏa thuận khác về quyền sở hữu trí tuệ đối với người sử dụng lao động.
>>> Đọc thêm: Học công nghệ thông tin ra làm gì Tại đây
Đôi khi, người lao động gặp những trường hợp “dở khóc dở cười” như đã nhận được lời mời làm việc (offer) từ người phỏng vấn để rồi bị hủy offer khi đến nhận việc vì quản lý cấp cao không duyệt yêu cầu tuyển dụng. Để tránh gặp phải trường hợp như vậy, bạn nên chờ phía nhân sự của doanh nghiệp gửi offer letter chính thức bởi nhiều khi người phỏng vấn bạn chưa chắc đã có đủ thẩm quyền để duyệt tuyển dụng và ký hợp đồng lao động với bạn. Sau khi đồng ý với offer letter để chấp thuận các điều khoản của công việc, bạn vẫn cần ký hợp đồng lao động để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của mình.
Trong quá trình phỏng vấn, bạn sẽ được thông báo mức lương theo một trong hai phương án: mức lương gross hoặc net. Lương gross là tổng thu nhập của người lao động gồm cả lương cơ bản và các khoản trợ cấp, phụ cấp, … trong đó có cả các khoản đóng bảo hiểm và thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Lương net là số tiền người lao động nhận được sau khi đã trừ hết các loại khoản chi phí bảo hiểm, thuế thu nhập cá nhân.
Nhiều khi, doanh nghiệp sẽ thuyết phục bạn ký hợp đồng với mức lương thấp hơn mức bạn sẽ được nhận để giảm mức đóng các loại phí bảo hiểm. Với hình thức này, số tiền thực nhận hàng tháng của bạn (lương net) có thể cao hơn. Ngược lại, nếu doanh nghiệp đóng mức bảo hiểm càng cao, quyền lợi của người lao động sẽ càng được đảm bảo trong những trường hợp như thất nghiệp, nghỉ thai sản,… Vì vậy, bạn nên hiểu rõ bản chất của những đề nghị như vậy để có những quyết định phù hợp với nhu cầu của bản thân.
Trong quá trình làm việc, tranh chấp về quyền lợi và trách nhiệm thực hiện theo đúng hợp đồng lao động diễn ra khá phổ biến. Bị công ty nợ lương, bị cho nghỉ việc đột ngột, bị phạt/trừ lương vô lý hay quấy rối tại nơi làm việc là một số tranh chấp thường gặp. Trên lý thuyết, nếu người lao động thu thập đủ chứng cứ rằng doanh nghiệp đã vi phạm các điều khoản hợp đồng và luật lao động, người lao động có thể khởi kiện để đòi lại quyền lợi cho mình. Tuy nhiên, trên thực tế, thủ tục khởi kiện khá phức tạp và tốn nhiều thời gian. Vì vậy, nếu có thể, người lao động nên chọn cách trao đổi với bên sử dụng lao động và hòa giải nội bộ nếu xảy ra tranh chấp.
Từ kinh nghiệm nghiệp vụ và cá nhân của mình, luật sư Hùng đưa ra lời khuyên tới các bạn sinh viên: “Đừng im lặng. Các bạn hãy giao tiếp rõ ràng bằng văn bản như email hay thư góp ý với doanh nghiệp khi có vấn đề tranh chấp. Điều này vừa cho thấy thiện chí muốn cải thiện vấn đề của bạn, vừa có lợi hơn cho bạn trong quá trình hòa giải hoặc làm chứng trước tòa.”
>>> Xem thêm: Du học ngành Công nghệ Thông tin
Sau buổi chia sẻ của luật sư Hùng, các bạn sinh viên ngành Business đã có thêm góc nhìn thực tế về luật lao động tại Việt Nam và quan trọng hơn là những bài học để bảo vệ quyền lợi cho chính mình khi ký kết các hợp đồng lao động. Những sự kiện kết nối doanh nghiệp như buổi học Industry Link lần này chính là hướng đến mục tiêu “Đem lại thành công cho người học” của Swinburne Việt Nam và chuẩn bị nền tảng vững chắc để các bạn sinh viên tự tin trải nghiệm con đường của mình.
Bạn quan tâm đến phương pháp dạy đào tạo của ngành Business tại Swinburne Việt Nam? Bạn muốn học tập trong môi trường khuyến khích sáng tạo và thay đổi để tốt hơn? Liên hệ ngay với Swinburne Việt Nam theo số 0387 148 555 để được tư vấn thêm và khám phá các chương trình học của trường nhé!
Thảo Phạm