Trí tuệ nhân tạo trong kỷ nguyên công nghệ 4.0
AI là thuật ngữ thường xuyên được nhắc tới trong các buổi tọa đàm về Công nghệ thông tin. Vậy, AI là gì? Tại sao lĩnh vực này lại được quan tâm đến vậy? Tương lai của Trí tuệ nhân tạo sẽ như thế nào? Trong bài viết này, chúng tôi có buổi phỏng vấn với anh Nguyễn Thanh Tùng, PGS. Ngành Kỹ thuật thông tin, giảng viên ngành Công nghệ thông tin tại Swinburne Việt Nam để tìm hiểu thêm về AI, tương lai của Trí tuệ nhân tạo và các ứng dụng của chúng trong thực tế.
Thưa anh, AI là gì và xu hướng phát triển của lĩnh vực này như thế nào trong tương lai?
Trí tuệ nhân tạo hay trí thông minh nhân tạo (Artificial intelligence – viết tắt là AI) là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính. AI là loại trí tuệ do con người lập trình với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người.
Có thể hiểu đơn giản, AI là công nghệ mô phỏng các quá trình suy nghĩ và học tập của con người bằng máy móc, đặc biệt là các hệ thống máy tính. Quá trình này bao gồm việc học tập (thu thập thông tin và các quy tắc sử dụng thông tin), lập luận (sử dụng các quy tắc để đạt được kết luận gần đúng), đưa ra quyết định và tự sửa lỗi.
Lĩnh vực mới này được xem là một trong những công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều quốc gia bắt đầu ghi nhận xu thế phát triển tất yếu và tác động chuyển đổi to lớn của AI trong mọi mặt đời sống xã hội, thay đổi cán cân quyền lực kinh tế, quân sự, chính trị.
Hiện nay, các cường quốc đều xây dựng chiến lược phát triển riêng cho AI, lấy đó làm cốt lõi cho sự tăng tốc của nền kinh tế. Việt Nam chúng ta cũng không nằm ngoại lệ, năm 2018, ngành công nghiệp AI trong nước tăng trưởng hơn 70% so với 2017 (tương đương với 200 tỷ USD). Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng “Trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam xác định tập trung phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) – một mũi nhọn được dự báo trở thành ngành công nghệ đột phá nhất trong 10 năm tới”.
Anh có thể cho một vài ví dụ về ứng dụng của AI trong đời sống hằng ngày?
Bạn biết không, ứng dụng của AI hiện diện hằng ngày trong cuộc sống của chúng ta như trợ lý ảo Google Now, phần mềm Siri trên iPhone, Cortana trong hệ điều hành Windows… Tại tập đoàn Google, công nghệ máy học tập và mạng mô phỏng não người đã được sử dụng rộng rãi trong một số sản phẩm, chẳng hạn như tìm kiếm (search), dịch thuật Google Translate…
Trí tuệ nhân tạo có thể giúp bạn trong nhiều lĩnh vực như điều khiển một ngôi nhà thông minh trong kiến trúc, nghiên cứu nhận diện hình ảnh trong marketing, xử lý dữ liệu bệnh nhân để đưa ra phác đồ điều trị trong y học, xử lý dữ liệu để tự học hỏi, khả năng trả lời các câu hỏi về chẩn đoán bệnh hoặc trả lời khách hàng về các sản phẩm của một công ty.
Tại Việt Nam, AI đã và đang được ứng dụng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông, thương mại điện tử… Công nghệ AI cũng đã mang lại cho Việt Nam sự phát triển vượt bậc thời gian qua.
Theo anh, AI sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào?
Trí tuệ nhân tạo đang đi vào cuộc sống một cách mạnh mẽ, thay thế nhiều công việc thủ công, tốn sức lao động. AI giúp cuộc sống của chúng ta đơn giản và hiệu quả hơn.
Nhờ AI, các bệnh viện đã có thể quản lý hồ sơ điện tử, bạn có riêng trợ lý chăm sóc sức khỏe cá nhân phù hợp với yêu cầu của mình, lên lịch hẹn khám dễ dàng và luôn được hỗ trợ 24/7. Trong giao thông, hệ thống giao thông thông minh, xe ô tô tự hành – sản phẩm của trí tuệ nhân tạo cũng đang xuất hiện ngày càng nhiều trong cuộc sống.
Tại ngân hàng, tổ chức tài chính, AI được dùng trong việc xử lí các hoạt động tài chính, tiền đầu tư và cổ phiếu, quản lí các tài sản khác nhau. Công nghệ này có thể xử lí các giao dịch thậm chí tốt hơn con người, giúp ngân hàng hỗ trợ khách hàng tốt hơn, cung cấp các giải pháp nhanh chóng. Nhờ AI ứng dụng trong thương mại điện tử, bạn có thể tìm được món hàng mà mình yêu thích nhanh, giá tốt nhất mà không mất nhiều thời gian.
Trong sản xuất, các dây chuyền sản xuất sử dụng robot công nghiệp nặng giúp giảm các công việc nặng nhọc, hạn chế các vụ tai nạn lao động nguy hiểm và tăng năng suất công việc.
Với những sinh viên muốn theo đuổi lĩnh vực này cần có những tố chất gì, thưa anh?
Để theo đuổi được ngành Trí tuệ nhân tạo, sinh viên cần phải có kĩ năng và khả năng đưa ra lý luận, sắp xếp thông tin, suy nghĩ khoa học, giải quyết vấn đề, phân tích hệ thống và lập trình, lắng nghe và ham học hỏi. Nghề nghiệp này cũng yêu cầu phải có sự kiên nhẫn, suy nghĩ logic, biết thu thập thông tin và có năng khiếu toán học.
Đặc biệt, các em sẽ có lợi thế hơn rất nhiều nếu như am hiểu thêm các lĩnh vực công nghệ mới khác như IoT, Big Data, Thống kê, Phần mềm máy tính, Hệ thống doanh nghiệp.
Ngoài ra, để hoạt động trong lĩnh vực này các bạn cần phải có thêm nhiều kỹ năng đề làm việc nhóm hiệu quả như kỹ năng giao tiếp, quản lý dự án, kỹ năng tự học công nghệ mới và tác động của ngành đối với xã hội và đời sống.
Theo ý kiến của anh, cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực AI như thế nào?
Hiện nay, cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực này rất rộng mở. AI đang đi vào cuộc sống của chúng ta một cách mạnh mẽ và được xác định là lĩnh vực mũi nhọn trong ngành kinh tế các nước. Chính vì là lĩnh vực rất mới nên AI đang tạo ra một cơn khát nguồn lực rất lớn.
Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành AI có cơ hội việc làm rất đa dạng như: Kỹ sư phát triển ứng dụng AI, Kỹ sư phát triển hệ thống tự động hóa, robot, Kiến trúc sư dữ liệu, chuyên viên phân tích dữ liệu, Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các tổ chức, doanh nghiệp tại các công ty công nghệ, viễn thông hoặc các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đối với các bạn trẻ muốn đi sâu nghiên cứu có thể định hướng trở thành: Nhà khoa học dữ liệu, chuyên viên phân tích, kỹ thuật viên AI, Kỹ thuật viên học máy, Chuyên viên quản lý dữ liệu, kỹ sư dữ liệu, Nhà phát triển hệ thống AI… tại các viện nghiên cứu, doanh nghiệp nghiên cứu thị trường hoặc các trung tâm nghiên cứu của công ty công nghệ, viễn thông…
Trên đây là thông tin về trí tuệ nhân tạo, cũng như xu hướng tương lai của trí tuệ nhân tạo. Hy vọng giúp ích cho bạn hiểu thêm cũng như lựa chọn được chuyên ngành phù hợp với bản thân.
Xem thêm: Xu hướng ngành Công nghệ thông tin trong các năm tới
Trung ST