Giải bài toán an toàn dữ liệu cho hệ thống AI
Theo Tạp Chí Thông Tin và Truyền Thông, giống như các hệ thống công nghệ thông tin khác, các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) cũng thường xuyên phải…
Ngày 12/8, hội thảo quốc tế về Dữ liệu lớn, IoT và Điện toán đám mây (International Conference on Big Data, IoT and Cloud Computing – BIC 2024) đã diễn ra tại Swinburne Việt Nam, thu hút sự tham dự của gần 100 lãnh đạo doanh nghiệp và các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ.
Theo TS. Hoàng Việt Hà – Giám đốc Swinburne Việt Nam, hội thảo BIC 2024 không chỉ là diễn đàn trao đổi kinh nghiệm mà còn là cơ hội để các bên cùng thảo luận về những thách thức và cơ hội trong bối cảnh phát triển bùng nổ của các công nghệ lõi. “Hội thảo tạo ra không gian lý tưởng để thảo luận, chia sẻ và học hỏi về các biện pháp bảo mật tiên tiến nhất trong môi trường số hóa ngày nay”, ông nói.
Năm nay, hội thảo quốc tế BIC 2024 gồm hai phiên chính: Phiên hội thảo nghiên cứu học thuật (Academic Session) và Toạ đàm kết nối doanh nghiệp (Industry Forum) diễn ra cùng ngày,
Riêng phiên Hội thảo nghiên cứu học thuật BIC 2024 đã thu hút được gần 100 công trình nghiên cứu đến từ 25 quốc gia, trong đó có 30 nghiên cứu đã được chấp nhận đăng trong kỷ yếu Lecture Notes in Electrical Engineering (LNEE), thuộc danh mục SCOPUS hoặc lựa chọn xuất bản cho các tạp chí khoa học uy tín thuộc danh mục ISI.
Tại phiên Industry Forum, các chuyên gia cho rằng chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số, nơi dữ liệu lớn được xem là một trong những tài sản quý giá nhất. Trong đó, trí tuệ nhân tạo với khả năng xử lý dữ liệu lớn, ngày càng chứng tỏ được vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của các quốc gia.
Chia sẻ về vấn đề này, TS. Lý Hoàng Tùng – Vụ Trưởng Vụ Hợp Tác Quốc Tế, Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST), Việt Nam cho biết: “Hiện nay, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong phát triển trí tuệ nhân tạo, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức như thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu cơ sở hạ tầng”. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh việc tận dụng nguồn nhân lực trẻ sáng tạo sẵn có và những chính sách hỗ trợ đặc biệt của Chính phủ sẽ là tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp phát triển.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Shiqi Yu – Phó giáo sư tại Khoa Khoa học máy tính và Kỹ thuật, Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Nam (Trung Quốc) cho rằng ngày nay AI hiện hữu ở khắp mọi nơi, cùng với Internet vạn vật, mọi thứ đều trở nên thông minh hơn.
“20 năm trước chúng ta dùng máy tính, ngày nay chúng ta dùng AI. Trí tuệ nhân tạo có ở khắp nơi, trong đó OpenCV trở nên phổ biến toàn cầu. Trong tương lai, thế giới sẽ có những người máy tự động hóa hoàn toàn, sử dụng tính năng của OpenCV”, TS. Shiqi Yu nói.
Sự bùng nổ của các công nghệ lõi đã đặt ra vấn đề về bảo mật thông tin hiện nay. Theo đó “An toàn dữ liệu trong kỉ nguyên trí tuệ nhân tạo” cũng chính là chủ đề của phiên toạ đàm kết nối đại diện các doanh nghiệp.
Theo ông Ngô Tuấn Anh – Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần An ninh mạng thông minh SCS (SafeGate), trí tuệ nhân tạo là vấn đề đang được quan tâm bởi nhiều quốc gia. Sự phát triển của AI làm tăng giá trị dữ liệu nhưng đi kèm là những thách thức bảo mật, an toàn dữ liệu của cả Việt Nam và thế giới.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trần Minh Quân – Trưởng phòng cấp cao an ninh mạng của PwC xác định có 6 rủi ro gắn liền với AI bao gồm: rủi ro mô hình, đạo đức, dữ liệu, rủi ro trong quá trình triển khai, bảo mật và pháp lý. Đồng thời nhấn mạnh “Rủi ro về bảo mật thông tin bao gồm trách nhiệm của cả doanh nghiệp và ý thức của người cung cấp thông tin”.
Hầu hết các chuyên gia đều đồng tình rằng ngày nay tất cả đều có thể là đối tượng của các vụ lừa đảo thông tin, bởi lẽ chúng ta đều đang sử dụng các ứng dụng và việc cung cấp thông tin cá nhân ngày trở nên phổ biến. Chính vì vậy, việc trang bị kiến thức về bảo mật và xác định nhóm đối tượng cho các sản phẩm AI là vô cùng quan trọng.
Chia sẻ về điều này, ông Trần Anh Tuấn – Trưởng nhóm bán hàng giáo dục, AWS Public Sector, Việt Nam cho biết: “Nạn tống tiền dựa trên mã độc và rò rỉ thông tin thuộc về trách nhiệm của các tổ chức doanh nghiệp. Đó có thể là hệ quả của việc thiếu bảo trì hệ thống, kỹ năng của nhân viên chưa đủ và chiến lược an toàn bảo mật chưa được xử lý kịp thời”.
Bàn về giải pháp, ông Đoàn Hữu Hậu – Giám đốc Tư vấn chuyển đổi số, FPT Digital cho biết: “Nguyên tắc xây dựng hệ thống AI an toàn gồm có 5 nguyên tắc: an toàn từ thiết kế, đánh giá rủi ro ngay từ đầu; minh bạch và giải thích được; khả năng phòng chống các cuộc tấn công; bảo vệ dữ liệu bằng mã hóa quy trình truy cập; bảo mật đám mây và tính đa dạng và công bằng”.
Từ đó, ông Trần Anh Tuấn khuyên các doanh nghiệp cần thường xuyên giám sát, kiểm tra và quét mã độc, từ đó đưa ra hành động phù hợp, kịp thời xử lý các cuộc tấn công dữ liệu.
Phiên toạ đàm cũng đặt ra bài toán cho người dùng hiện nay về việc trang bị những “kỹ năng số” để nâng cao ý thức an toàn trong không gian số và đối phó với các tình huống lừa đảo khó lường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần phát triển sản phẩm dựa trên khung đạo đức và pháp lý, nhằm đảm bảo rằng thông tin cá nhân của khách hàng được bảo vệ đúng cách và tuân thủ các quy định về bảo mật dữ liệu.