Sinh viên Swinburne Việt Nam tìm hiểu về truyền thông sức khỏe của Bộ Y tế
Vừa qua, ông Vũ Mạnh Cường - Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Truyền thông Sức khỏe Bộ Y tế đã có buổi chia sẻ về “Thanh niên và…
“Cảm giác cô độc và kiệt quệ tinh thần khi phải học online dài ngày ảnh hưởng rất lớn đến trải nghiệm và sự phát triển của các bạn sinh viên.” Tiến sĩ Marisha McAuliffe, chuyên gia Khoa học Nhận thức chia sẻ cùng Swinburne Việt Nam về chủ đề sức khỏe tinh thần đối với sinh viên khi phải học online trong thời gian giãn cách xã hội.
Giữa những nỗ lực chống dịch và nỗi lo cơm áo gạo tiền, chăm sóc sức khỏe tinh thần không nằm trong ưu tiên của nhiều người. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới WHO cảnh báo, những vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần sẽ gia tăng trong thời gian giãn cách xã hội. Theo thống kê cuối năm 2020 của Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân đi khám về những vấn đề rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ tăng đáng kể khi lên đến 250 – 300 lượt bệnh nhân/ngày.
Trong đợt dịch kéo dài, hầu hết các hoạt động học tập, thi cử đều phải chuyển sang hình thức trực tuyến và đã gây nên không ít khó khăn cho các bạn học sinh, sinh viên. Trịnh Ngọc Tâm Anh, sinh viên Swinburne Việt Nam chia sẻ: “Em cảm thấy mọi người đều bị mất động lực và chán nản khi phải học online. Em không thể tương tác trực tiếp với thầy cô và các bạn nên hiệu quả làm việc nhóm hay tập trung khó bằng được như bình thường.”
Tiến sĩ McAuliffe, người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành giáo dục bậc cao cho biết: “Học tập là một trải nghiệm xã hội. Chúng ta học hỏi từ thầy cô và bạn bè, từ những giao tiếp và tương tác với những người xung quanh. Khi phải chuyển sang nền tảng trực tuyến, những tương tác này gần như bị cắt đứt hoàn toàn.”
“Học online đòi hỏi một nguồn năng lượng tập trung lớn hơn rất nhiều. Vì vậy, sau nhiều giờ ngồi trước màn hình, học sinh thường có những biểu hiện kiệt sức và dễ xúc động. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến các bạn giảm hiệu quả tập trung, kết quả học tập sa sút và tăng nguy cơ trầm cảm.”
>>> Xem thêm: 10 bí quyết giúp giảm căng thẳng khi học online
Tại Swinburne Việt Nam, Tiến sĩ McAuliffe dự định sẽ xây dựng một hệ thống hỗ trợ sinh viên để tạo nên một môi trường học tập và trải nghiệm tích cực, lành mạnh trong thời kỳ bình thường mới. “Swinburne sẽ tổ chức các hoạt động như tư vấn tâm lý, hỗ trợ học tập, ghép cặp sinh viên khóa trước – khóa sau,… nhằm giúp các bạn hòa nhập. Dịch vụ hỗ trợ là một phần không thể tách rời của hành trình đại học. Vì vậy, chúng tôi sẽ làm hết sức để đem đến trải nghiệm tốt nhất tới sinh viên và phụ huynh.”
Theo tiến sĩ McAuliffe, để giảm bớt những khó khăn khi học tập online và tạo trải nghiệm cho học sinh, thầy cô và nhà trường có thể tham khảo những cách tiếp cận dưới đây:
Trong thời điểm này, nhiều học sinh có thể sao nhãng học tập vì các lý do như gặp vấn đề về sức khỏe, bố hoặc mẹ bị mất việc đột ngột, phải học tập trong khu vực bị phong tỏa,… Để có giúp học sinh vượt qua khó khăn và tiếp tục học tập, thầy cô có thể tạo ra những cơ hội để giao lưu và hỗ trợ như giải đáp các câu hỏi, kiểm tra bù, đưa ra các cơ hội được cộng điểm,…
Tiến sĩ McAuliffe nhận định. “Theo nghiên cứu, chúng ta thường chỉ tập trung liên tục trong khoảng 10-15 phút. Vì vậy, các thầy cô nên thiết kế những quãng nghỉ trong bài giảng của mình và khuyến khích các hoạt động tương tác như thảo luận nhóm, trò chơi, giao lưu,… Cách tiếp cận này vừa giúp não bộ có thời gian nghỉ ngơi, vừa giúp duy trì yếu tố xã hội trong học tập.”
Theo Tiến sĩ McAuliffe, chúng ta không thể tách rời yếu tố con người ra khỏi quá trình học tập. Vì vậy, nhà trường cần có những hành động thể hiện rõ sự quan tâm đến những vấn đề bên ngoài kết quả học tập của học sinh như sức khỏe, tâm lý và dịch vụ hỗ trợ học tập. “Những chương trình này sẽ giúp sinh viên hiểu rằng nhà trường luôn ở bên và quan tâm đến sự phát triển của các em. Các em cần phải cảm nhận được rằng mình có thể tìm đến nhà trường khi gặp bất cứ khó khăn gì.”
Ngoài những nỗi lo về sức khỏe và kinh tế, nhiều bậc cha mẹ không khỏi thấy bất lực khi con mình chật vật trong thời điểm học online này. Tiến sĩ McAuliffe gửi lời tới các bậc phụ huynh: “Đừng quá hà khắc với bản thân và con em mình trong thời điểm này. Hãy cố gắng trò chuyện với các con và hỏi rằng ‘Con có ổn không?’ và dành thời gian nghỉ ngơi cùng nhau. Khi phụ huynh bối rối và cần được hỗ trợ, hãy liên hệ với nhà trường hoặc bất cứ ai, bởi theo tôi thấy, gánh lo sẽ giảm đi một nửa khi bạn chia sẻ cùng với người khác.”
Bạn là sinh viên Swinburne Việt Nam và cần hỗ trợ trong quá trình học tập? Hãy liên hệ với bộ phận StudentHQ theo email: studenthq-vn@swin.edu.au hoặc Hotline 0795 089 998
Thảo Phạm – Swinburne Việt Nam