Thử thách tự sản xuất MV, sinh viên Swinburne Việt Nam truyền cảm hứng sáng tạo
Cùng sự đồng ý từ phía nghệ sĩ, nhóm Producktion How của ba nữ sinh viên Swinburne Việt Nam đã cùng nhau thực hiện dự án Fan-made MV “Treo (2:00…
Trong phần trước, tôi đã kể cho các bạn nghe về hành trình của mình tại Đại hội truyền thông “International Journalism Festival 2023” trong vai trò tình nguyện viên. Thế nhưng, chuyến đi này chưa kết thúc ở đó. Sau những ngày ở đại hội, tôi tiếp tục khám phá nước Ý một mình. Tôi đã ghé thăm nhiều di sản lịch sử, nghệ thuật và tận hưởng hương vị ẩm thực tại Ý. Dù không phải là một người có cơ hội đi du lịch quá nhiều, nhưng chuyến đi này đã cho tôi nhiều bài học quý giá. Dưới đây là những tips mà tôi đã học được trước chuyến đi một mình này, và cả những điều mà tự tôi rút ra sau chuyến đi.
Không phủ nhận Ý là một đất nước trong mơ với nhiều người vì những giá trị mà nơi đây lưu giữ. Nhưng cho dù là đi tới đâu, tôi tin rằng những cuộc hội thoại chất lượng, những sự trao đổi văn hoá mới là những điều in sâu trong tâm trí chúng ta. Hãy hỏi những câu hỏi thú vị, lắng nghe bằng sự thích thú, từ đó bạn có thể đưa ra những phản hồi… thú vị hơn nữa! Tôi tin rằng chúng ta đều học được một điều gì đó từ mọi người, đặc biệt là từ những người đến từ các đất nước, các nền văn hoá khác.
Trước khi đặt chân đến Ý, một người bạn tôi quen ở Việt Nam đã giới thiệu tôi với ông Eric – một người gốc Pháp nhưng đã quyết định chuyển đến Ý sinh sống ở độ tuổi xế chiều. Ông Eric đã dành hẳn một ngày để dẫn tôi đi khắp nơi tại Rome và mời tôi ăn bữa tối cùng với gia đình ông. Trong buổi tối hôm đó, tôi đã thấy được văn hóa gia đình tại Ý qua những món ăn và cách mọi người đối xử với nhau. Tôi cũng không khỏi ấn tượng khi nhận ra những người phụ nữ trong nhà ông rất giỏi về tài chính và có nhiều quan điểm thú vị về chính trị xã hội. Trong khi phái nam lại có vẻ khá ôn hòa và khiêm nhường.
Trong chuyến đi đến đại hội lần này, vì là tình nguyện viên nước ngoài duy nhất nên tôi luôn được bạn bè quan tâm đặc biệt. Những người bạn Ý hiếu khách đã hào phóng mời tôi đi ăn và tham quan nhiều nơi. Qua những lần đi chơi, tôi cũng có dịp kể cho họ nghe về ẩm thực Việt Nam tuyệt vời như thế nào. Tôi khá bất ngờ vì họ chưa từng nghe đến Bánh mì hay Phở, vốn đã nổi tiếng khắp thế giới.
Tôi nghĩ mỗi người sẽ có một phong cách du lịch khác nhau. Có người thích tận hưởng, nghỉ dưỡng, “cưỡi ngựa xem hoa”. Với tôi, tôi không gắn mác mình là “dân du lịch” khi đi xa nhà. Tôi đặt mình vào vị trí của một người khám phá, với mong muốn được thấy và hiểu tường tận những kiến thức, giá trị mà nơi đây mang lại. Là một người quan tâm đến tôn giáo và thần học nên khi đến Ý tôi đã rất nóng lòng để được chiêm ngưỡng những nhà thờ Công Giáo và các thánh tích lịch sử lâu đời vẫn đang được lưu giữ trong các Thánh đường.
Bạn sẽ không đếm nổi bao nhiêu lần tôi mắt chữ A, mồm chữ O khi ngửa cổ lên trời và ngắm những bức bích họa này. Không khó để nhiều người nhận ra những tác phẩm vĩ đại của Michelangelo như: “The Creation of Adam”, “The Fall of Man and the Expulsion from Paradise”, “The Creation of the Sun, Moon and Plants”,…
Chính nhờ Đức tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, các tác phẩm của Michelangelo đã vén mở vô vàn điều thần diệu trên từng chi tiết. Đức tin ấy đã đưa nghệ thuật của ông lên đến đỉnh cao của hình thức nghệ thuật. Trong đó, bức tranh dày đặc trên trần nhà nguyện Sistine là những hình ảnh của tôn giáo, qua bàn tay điêu luyện cùng phong cách độc đáo của ông đã trở nên thật hài hòa và thu hút.
Tôi từng được nghe rằng, chỉ có Florence mới đủ tư cách thực sự để đại diện cho nước Ý. Đến Ý mà chưa đến Florence, thì như chưa thực sự đến Ý vậy. Bởi Florence được xem là cái nôi của nghệ thuật Phục Hưng.
Bạn có biết rằng có hẳn một Hội chứng Florence (Florence Syndrome) là một tình trạng tâm thần học xảy ra khi các cá nhân tiếp xúc tận nơi tận mắt trước những tác phẩm đồ sộ của cái đẹp vĩ đại tuyệt diệu mỹ miều vượt mong đợi mường tượng của họ – điển hình là tại Florence – tòa thành tràn ngập đậm đặc bầu không khí nghệ thuật và kiệt tác, khiến cảm xúc trào dâng cao tột bất ngờ và chiếm trọn tinh thần đánh vào hệ thần kinh của người đó, khiến họ có những biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, mất phương hướng, nhịp tim nhanh hồi hộp.
Làm những điều người bản địa làm, ăn những món người bản địa ăn, cũng là tư duy giúp ta làm quen với một nền văn hoá xa lạ. Lần đầu đến Châu Âu, nhiều người bạn Ý hỏi tôi rằng “Sao bạn lại hiểu những người ở đây thế”, hoặc “Chắc bạn cũng phải đến đây vài lần rồi”. Một mặt tôi nghĩ là do mình có khả năng thích ứng nhanh, mặt khác tôi tin là mình đã vận dụng được kỹ năng quan sát một cách tối ưu.
Thành phố Rome mộng mơ, nhưng lại được thống kê là nơi xảy ra nhiều vụ cướp giật nhất thế giới. Tôi cũng đã được cảnh báo trên dưới chục lần về chủ đề này. Tuy nhiên tôi có thể đưa ra một góc nhìn rằng: Đừng để cảm giác sợ sệt khi đi tới bất cứ đâu làm ảnh hưởng đến trải nghiệm chung của bạn. Chuẩn bị kỹ và đề phòng là những điều tất yếu ai cũng sẽ làm. Tôi đã luôn ngẩng cao đầu mà bước đi và (có lẽ) Đức Tin là điều giúp tôi thoát được bàn tay của những tên trộm “tài hoa” đất Ý.
Trước khi kết lại, tôi muốn giải thích cho bạn nghe tại sao lại có câu: “Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome”?
Có thể bạn cũng đã biết khi ai đó nói rằng “Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome” là họ có hàm ý nói về việc có nhiều cách để đi đến thành công, mọi việc còn tùy thuộc vào con đường bạn chọn để đi.
Câu nói này vốn bắt nguồn từ những con đường chính tại Rome được thiết kế đặc biệt cho sự chuyển động của bánh xe và động vật – nói cách khác, chúng phức tạp hơn nhiều so với những con đường mòn lầy lội. “Các con đường chính kết nối những địa điểm quan trọng và do đó, bằng cách này hay cách khác, chúng đều kết thúc hoặc bắt đầu ở Rome”, Parcero-Oubiña – Tiến sĩ Khảo cổ học tại Đại học Santiago de Compostela, Tây Ban Nha từng nói.
Điều đó phần nào hé lộ bí mật về hệ thống đường xá khủng cũng như lãnh thổ rộng lớn của đế chế La Mã. Nhiều con đường của đế chế La Mã tồn tại đến ngày nay. Chúng được xem là thành tựu vĩ đại của nền văn minh này.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc đến đây. Đến tận bây giờ, sau khi đã quay trở lại Việt Nam, tôi vẫn không khỏi xao xuyến khi nhắc về một nước Ý tráng lệ. Là một sinh viên đang học tập tại Swinburne Việt Nam, hành trình này đã phần nào giúp tôi hiểu thêm về tầm quan trọng của lối sống hội nhập, từ đó giữ một thái độ thấu hiểu, tôn trọng khi tiếp xúc với các nền văn hoá đa dạng khác. Đồng thời giúp tôi có cơ hội được chia sẻ những hình ảnh, câu chuyện của người trẻ Việt Nam đến gần hơn với bạn bè trên khắp toàn cầu.
Phạm Minh Hoàng
sinh viên K3 Swinburne Việt Nam