Khởi nghiệp sáng tạo: “Công nghệ là chìa khóa then chốt, quyết định đến tính bứt phá của doanh nghiệp”

Ở buổi chia sẻ của mình vừa qua trong nội dung học thực tế cho ngành kinh doanh tại Swinburne Việt Nam, anh Nguyễn Huy Du đã mang đến cho các bạn sinh viên những kinh nghiệm của mình trong suốt quá trình học tập và lập nghiệp, biến một ý tưởng hay trở thành một doanh nghiệp thành công.

Khởi nghiệp và Start-up: tương đồng hay khác biệt?

Theo CEO Nguyễn Huy Du, “Khởi nghiệp và Startup là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau tuy nhiên rất nhiều người nhầm lẫn và sử dụng 2 khái niệm này thay thế cho nhau. Khởi nghiệp hiểu đơn giản là bắt đầu một nghề nghiệp, một sự nghiệp. Trong khi đó Start-up là 1 mô hình trong kinh doanh, dựa trên ý tưởng sáng tạo, sản xuất sản phẩm mới; hoặc sản phẩm cũ tuy nhiên có điểm khác nổi trội, ưu tú hơn so với những sản phẩm, dịch vụ đã từng có trên thị trường và được phát triển rất nhanh vượt bậc”.

Học trải nghiệm khởi nghiệp 1

Mentor Nguyễn Huy Du và các bạn sinh viên trong buổi học

Hành trình đi đến thành công: Biến ý tưởng thành hiện thực

12 năm – Quá trình bắt đầu khởi nghiệp của một người trẻ

Để chuẩn bị cho công cuộc khởi nghiệp, anh Du chia sẻ mình đã bắt đầu từ những năm 2004 và thực sự bắt tay vào hiện thực hóa vào năm 2016. Như vậy, anh mất 12 năm để chuẩn bị với 8 năm làm thuê và 4 năm làm chung trước khi chính thức trở thành người dẫn dắt một doanh nghiệp. Anh cho rằng giáo dục là nền tảng, xu hướng phát triển chung và là yếu tố quan trọng với khởi nghiệp.

Nếu như trên ghế nhà trường, những bài toán đều có công thức hoặc lời giải cụ thể và nhất định, thì bài toán mà các doanh nghiệp cần phải giải quyết luôn thay đổi và thiên biến vạn hóa, cần nhiều sự linh hoạt, sáng tạo.

Niềm tin – thách thức đầu tiên của người khởi nghiệp

Câu chuyện khởi nghiệp của anh Nguyễn Huy Du vấp phải khó khăn đầu tiên chính là “niềm tin” từ chính những người khởi sự và mọi người xung quanh.

Trải nghiệm kinh doanh khởi nghiệp 2

Giữ vững niềm tin là thử thách đầu tiên của doanh nhân Nguyễn Huy Du khi mới khởi nghiệp

“Trong quá trình thực hiện tôi còn rơi vào trạng thái phải tự động viên bản thân, tự mình phải tin chính mình. Cho đến khi sản phẩm mẫu ra đời, dần mới có thêm chút ít niềm tin từ người thân, bạn bè và cộng sự, nhiều người nghĩ tôi đã bỏ cuộc”. Anh Du tâm sự về quá trình hình thành sản phẩm đầu tiên của mình.

Vượt qua được giai đoạn đầu tiên, vị CEO này đã thấy rõ những thách thức tiếp theo khi đưa sản phẩm và doanh nghiệp của mình ra thị trường và vận hành các dịch vụ giá trị gia tăng xoay quanh sản phẩm. Tuy nhiên, niềm tin vào sự đóng góp của dự án này cho xã hội và tính ứng dụng cao đã khiến cho anh và những cộng sự của mình tiếp tục vững bước.

“Khởi nghiệp có thể sẽ rất nhiều những khó khăn, mệt nhoài. Bạn có thể mất thời gian, mất công sức, mất tiền bạc nhưng thứ duy nhất bạn không được mất chính là niềm tin. Mất niềm tin và tình yêu vào công ty khởi nghiệp và sản phẩm bạn đang theo đuổi chính là khởi đầu cho việc – Start-down”. CEO Nguyễn Huy Du đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ.

“Hãy làm lạc hậu sản phẩm của chính mình, đừng để đối thủ làm điều ấy!”

Các sản phẩm, công nghệ được coi là bí quyết của doanh nghiệp chỉ sau một thời gian sẽ có thể bị làm nhái, các sản phẩm của vị CEO này này cũng không ngoại lệ.

Lựa chọn là người dẫn dắt cuộc chơi

Để tồn tại trên thị trường, CEO Nguyễn Huy Du chọn là người dẫn dắt cuộc chơi, không ngừng cải tiến là cách những sản phẩm làm nhái sẽ phải vất vả, phải đuổi theo. Đối với anh, đôi khi chính sự xuất hiện của những sản phẩm ấy là động lực để anh và các cộng sự đưa ra những giải pháp công nghệ mới hơn, nhanh hơn so với chính kế hoạch của công ty đề ra.

Lời khuyên cuối cùng trong buổi chia sẻ mà anh Du dành cho các nhà khởi nghiệp gen Z của Swinburne: “Theo đuổi những giấc mơ của bạn: hành động ngay khi bạn có ý tưởng, không sợ thất bại, tôn trọng kẻ thù. Chỉ có bắt tay vào làm, những kĩ năng bạn thiếu và bạn yếu mới dần được cải thiện và trau dồi. Nếu khởi nghiệp, bạn hãy cố gắng làm lạc hậu sản phẩm của chính bạn, đừng để đối thủ của mình làm điều đấy”.

Covid-19 – Cơ hội để cống hiến và tạo ra sự khác biệt

Đại dịch toàn cầu đang làm cho nhiều người suy nghĩ lại về sự nghiệp và các công việc trong ngành nghề tài chính, kế toán, kiểm toán, ngân hàng đang thay đổi, đem lại những cơ hội tuyệt vời để cống hiến và tạo ra sự khác biệt. Ngay cả khi bạn vẫn chưa quyết định được, hãy tìm kiếm những điều mà bạn quan tâm đến, bồi dưỡng thêm những kĩ năng mềm cần có để có thể gặt hái được nhiều lợi ích trong thời gian dài hạn.

Buổi học đã đem lại những kiến thức thực tế bổ ích cho các bạn sinh viên của Swinburne Việt Nam. Trong các chuyên ngành của mình, Swinburne Việt Nam luôn mời những nhân vật thành công để có những cái nhìn thực tế nhất cho sinh viên. Hãy theo dõi những nội dung tiếp theo tại website hoặc fanpage Swinburne Việt Nam nhé!

Rate this news

Trung ST