Thử thách tự sản xuất MV, sinh viên Swinburne Việt Nam truyền cảm hứng sáng tạo
Cùng sự đồng ý từ phía nghệ sĩ, nhóm Producktion How của ba nữ sinh viên Swinburne Việt Nam đã cùng nhau thực hiện dự án Fan-made MV “Treo (2:00…
Vào tuần học thứ tư của học kì Spring, chúng tôi có dịp đặt chân đến vùng đất vùng đất cổ đặc sắc và trù phú Tây Ninh. Chuyến đi nằm trong chương trình học trải nghiệm (Field trip) diễn ra thường niên của sinh viên Swinburne Việt Nam.
8 giờ sáng, ngày 10 tháng 2, đoàn xe của sinh viên Swinburne Việt Nam cơ sở TP.HCM bắt đầu di chuyển từ campus đến Tây Ninh. Địa điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là Toà thánh Tây Ninh hay còn gọi là Đền Thánh – một công trình tôn giáo của đạo Cao Đài, tọa lạc trong khuôn viên Nội ô Tòa Thánh Tây Ninh tại phường Long Hoa, thị xã Hòa Thành.
Giống như các công trình tôn giáo khác trên thế giới, kiến trúc của Tòa Thánh Tây Ninh cũng chứa đựng những quan điểm triết lý, tôn giáo hoặc huyền học. Một trong những nét độc đáo của Tòa Thánh Tây Ninh là sự kết hợp phong cách của nhiều văn minh tôn giáo trên thế giới.
Những hình ảnh rồng bay được chạm khắc trên các trụ cột mang văn hoá phương Đông hay sự đối xứng hoàn hảo trong phong cách kiến trúc của các nhà thờ ở phương Tây khiến chúng tôi không khỏi trầm trồ. Bên cạnh đó, các hướng dẫn viên cũng giúp chúng tôi tìm hiểu về nhiều sự tích dân gian, truyền thuyết như Lạc Long Quân – Âu Cơ hay vua Nghiêu, vua Thuấn.
Sau khi khám phá vùng đất Thánh, đoàn tiếp tục hành trình đến với vườn Nho Vang Cy dưới chân núi Bà Đen – nơi có những hàng cây xanh mướt trùng điệp nối tiếp nhau và những chùm nho căng trĩu đủ sắc màu.
Vào mỗi thời điểm trong ngày, vườn nho sẽ khoác lên mình một chiếc áo mới. Những tia nắng nhẹ nhàng xen kẽ dưới những tán lá khiến cho khung cảnh vườn nho lúc nào cũng thơ mộng, tinh tế đến kỳ lạ.
Hành trình đến vườn nho càng trở nên thú vị hơn khi chúng tôi được gặp gỡ bà chủ của mô hình kinh doanh này và lắng nghe câu chuyện về hành trình khởi nghiệp, và điểm bắt đầu chính là lúc bà tìm thấy một giống nho “có sức sống mãnh liệt và có thể nảy mầm mà không cần tưới nước”.
Thật hào hứng vì cuối cùng cơ hội tham quan vườn nho nổi tiếng và thưởng thức đặc sản rừng nổi tiếng cũng đã đến. Những trái nho rừng nhỏ, có vỏ dày, khi xanh có vị chua, lúc chín thì có vị ngọt và chát nhẹ quả là một thức quà độc đáo.
Điểm đến cuối cùng là địa đạo Củ Chi – khu di tích lịch sử kháng chiến nổi tiếng nằm tại huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh, cách trung tâm thành phố khoảng 70 km về hướng Tây Bắc.
Toàn bộ hệ thống địa đạo Củ Chi có chiều dài lên đến 250 km, bao gồm nhiều khu vực khác nhau như: bệnh xá, phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc… Đây là hệ thống phòng thủ trong lòng đất được quân đội ta xây dựng trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương.
Một trong những trải nghiệm mà chúng tôi không thể bỏ lỡ khi ghé thăm địa đạo Củ Chi là hầm địa đạo – một hệ thống hầm phức tạp với nhiều con đường ngoằn ngoèo.
Chúng tôi cũng có cơ hội tìm hiểu về bếp Hoàng Cầm – một loại bếp dã chiến, có công dụng làm tan loãng khói bếp tỏa ra khi nấu ăn nhằm tránh bị máy bay phát hiện và rất phổ biến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Trải nghiệm đi qua 50m con đường dưới hầm địa đạo đã khiến chúng tôi phần nào hình dung và cảm nhận được sự khốc liệt cũng như những khó khăn gian khổ trong cuộc chiến của ông cha.
Hành trình khám phá vùng Tây Ninh khép lại đầy cảm xúc với những bài học về lịch sử và những khám phá mới về văn hoá đất nước. Sau mỗi chuyến đi, chúng tôi dường như trở nên trưởng thành hơn nhờ những trải nghiệm cuộc sống vượt qua giới hạn kiến thức trong sách vở. Cùng với đó là cơ hội gắn kết với những người bạn nhờ những trải nghiệm “có một không hai”.
Nhân vật trải nghiệm: Dương Quý Thành – sinh viên K3 Swinburne Việt Nam (TP.HCM)